Hội nghị thương hiệu 2023: Từ sáng tạo đến trường tồn

VHO- Chiều qua 17.10, tại TP.HCM, tạp chí Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) đã tổ chức Hội nghị thương hiệu 2023 với chủ đề “Từ sáng tạo đến trường tồn”.

Hội nghị thương hiệu 2023: Từ sáng tạo đến trường tồn - Anh 1

 Các diễn giả trong phiên thảo luận Chiến lược thương hiệu hay đuổi bắt xu hướng

Diễn đàn quy tụ nhiều diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương hiệu và tiếp thị, các lãnh đạo dẫn dắt thương hiệu tại các công ty tên tuổi đã cùng thảo luận, đưa ra những gợi mở trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu trong bối cảnh mới.

Xây dựng thương hiệu là từ khóa quan trọng được nhắc đến thường xuyên trong marketing và kinh doanh hiện đại. Trong bối cảnh không gian số không ngừng mở rộng, tạo ra vô số cơ hội sáng tạo, việc gia tăng và duy trì nhận thức về thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng khi khách hàng sống, làm việc, giải trí trong một xã hội siêu kết nối. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã dần thay đổi hành vi đáng kể sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, chân dung thế hệ tiêu dùng mới - Gen Z (1995-2012) ngày càng rõ nét hơn: họ tương tác nhiều trên môi trường trực tuyến, đề cao sự tiện dụng và ưa thích cá nhân hóa trải nghiệm. Qua đó, công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ cách thức doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cá nhân hóa các hoạt động mua sắm và tăng trải nghiệm khách hàng.

Các doanh nghiệp càng đối mặt với thách thức xây dựng thương hiệu với việc làm sao bắt kịp các trào lưu mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng. Chính vì vậy, tại Hội nghị Thương hiệu 2023, các diễn giả cập nhật các thay đổi mới nhất trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu, từ đó giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng, đón đầu cơ hội kinh tế phục hồi.

Theo thống kê, 71% dân số Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin mỗi ngày; trung bình họ dành 2h32 trên các ứng dụng này hằng ngày, cao hơn so với mức trung bình của thế giới. Liệu các thương hiệu có tận dụng được kênh mạnh mẽ này để tiếp cận tối đa khách hàng. Bằng sự trình bày “Trò chuyện với tương lai”, đại diện từ Rakuten Viber, Giám đốc Kinh doanh, bà Berina Tanovic đã chia sẻ xu hướng sử dụng thiết bị di động và dịch vụ tin nhắn ở Việt Nam so với trên thế giới và cách các thương hiệu tận dụng ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội hiện nay, cũng như khám phá những cơ hội chưa được khai thác có thể giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Theo bà Berina Tanovic, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử đứng thứ 2 thế giới, vì thế việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin sẽ xóa bỏ ranh giới giữa khách hàng và thương hiệu nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Hội nghị thương hiệu 2023: Từ sáng tạo đến trường tồn - Anh 2

 Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng biên tập Báo Văn Hóa tặng quà lưu niệm cho bà Berina Tanovic sau phần trình bày tham luận

Có thể thấy, kỷ nguyên Internet, các kênh truyền thông mạng xã hội bùng nổ, khách hàng mua sắm, giải trí, kết nối đều gắn kết chặt chẽ với không gian số. Cách tiếp cận cũ và chiến lược tiếp thị truyền thống tỏ ra không còn hiệu quả như mong muốn. Qua đây, TS Đinh Lê Đạt cũng đã mang đến những góc nhìn trong việc sử dụng dữ liệu “Theo dấu chân khách hàng” để tiếp thị hiệu quả nhất cũng như cách AI đang thay đổi hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu. Và Việt Nam đã và đang rất kỳ vọng có các sản phẩm và thương hiệu “made in Vietnam” sẽ thành công, khẳng định chỗ đứng ở tầm châu lục. Trong trình bày chủ đề “Mang Việt Nam ra thế giới”, nghệ sĩ Chi Pu đã chia sẻ về hành trình nỗ lực vươn ra thế giới của chính bản thân mình.

Truyền thông tuyến tính vẫn thúc đẩy doanh số bán hàng nhưng các kênh tương tác trực tuyến hay livestream ngày càng nổi trội, giúp thương hiệu thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Năm 2023, kinh tế khó khăn buộc doanh nghiệp cắt giảm ngân sách marketing quảng cáo, giải quyết các khó khăn tạm thời, ưu tiên bán hàng, đẩy mạnh doanh số. Tuy nhiên cạnh tranh về giá bán trên các kênh trực tuyến có thể giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lâu dài. Chính vì thế, trong phiên thảo luận “Chiến lược thương hiệu hay đuổi bắt xu hướng” các diễn giả cũng đã bày tỏ các quan điểm về việc chạy theo xu hướng ngắn hạn hay trung thành với con đường phát triển thương hiệu cách lâu dài.

Trong khuôn khổ Hội nghị, lễ vinh danh 25 thương hiệu công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cá nhân và công nghiệp 2023 do Forbes Việt Nam bình chọn cũng đã diễn ra. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Forbes Việt Nam lập danh sách thương hiệu và năm thứ ba tính toán thương hiệu công ty theo lĩnh vực. 25 thương hiệu gồm: Tập đoàn Hòa Phát, Nhựa Bình Minh, Thiên Long, Traphaco, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Phú Tài, Biti’s, May Sông Hồng, Rạng Đông, CADIVI, VEAM, PNJ, GELEX, Đạm Phú Mỹ, Dược Hậu Giang, Hóa chất Đức Giang, Tân Á Đại Thành, Phân bón Dầu khí Cà Mau, Viglacera, Vicostone, Tập đoàn Hoa Sen, Vinatex, Tôn Đông Á, Nhựa Duy Tân, Gỗ An Cường. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc